Một số giống lợn quý ở Việt Nam

time Tuesday, 04/07/2023
user Đăng bởi Thanh Vân

Ngày nay, việc sử dụng các giống lợn bản địa, độ thuần cao, phù hợp với điều kiện sản xuất và môi trường nuôi dưỡng của từng địa phương là điều kiện tiên quyết để tối ưu lợi nhuận trong chăn nuôi lợn theo hướng nông hộ. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số giống lợn quý ở Việt Nam để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tập tính của chúng.

1. Lợn Móng Cái

Lợn Móng Cái có nguồn gốc ở Hà Cối (huyện Đầm Hà), Tiên Yên (Đông Triều) tỉnh Quảng Ninh; chúng phân bố ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, sau đó lan ra Miền Trung và phía Nam.

Lợn Móng Cái có đặc tính di truyền ổn định, màu lông đồng nhất, đầu đen, giữa trán có một điểm trắng hình tam giác kéo dài, có cổ khoang chia thân lợn ra làm hai phần (nửa trước màu đen kéo dài đến mắt, nửa sau màu trắng kéo dài đến vai làm thành một vành trắng kéo dài đến bụng và bốn chân), lưng và mông màu đen, mảng đen ở hông kéo dài xuống nửa bụng bịt kín mông và hông có hình yên ngựa.

Lợn Móng Cái có ba loại: xương to, xương nhỡ và xương nhỏ. Những con xương càng nhỏ thì thịt càng thơm ngon. Thịt thơm ngon, dễ nuôi, đẻ mắn, thân thiện với con người, chịu được kham khổ, chống đỡ bệnh tật tốt. Tuy nhiên, lợn Móng Cái nuôi lâu lớn, về sau không được người dân chuộng nuôi vì năng suất kém mà mất dần vị thế trong bữa ăn, chỉ được biết đến như một loại thực phẩm thịt lợn rất thơm ngon, mềm dẻo vượt trội so với những loại thịt lợn khác. Lợn Móng Cái có hướng sản xuất chung là hướng mỡ, tầm vóc trung bình, có số vú từ 12 vú trở lên, thể chất yếu.

2. Lợn ỉ

Lợn ỉ

Lợn ỉ là một giống lợn địa phương ở miền Bắc Việt Nam, ngày nay ít được nuôi do hiệu quả kinh tế không cao và đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Giống lợn ỉ mỡ (hay còn gọi là lợn ỉ nhăn) có thịt ít mỡ nhiều (tỷ lệ nạc chỉ đạt 36% trong khi mỡ chiếm đến 54%). Nuôi lợn ỉ cả năm cũng chỉ đạt 40 - 50 kg, trong khi giống lợn thịt nuôi sáu tháng đã đạt 70 - 80 kg. Lợn ỉ mỡ hiện chỉ còn được nuôi tại một số hộ dân nghèo ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Trong các năm từ 2001-2003, tại khu vực này có 50 lợn ỉ cái và bốn lợn đực giống được bảo tồn thì đến năm 2007 chỉ còn 30 lợn cái và bốn lợn đực.

3. Lợn mán

lợn mán

Lợn mán hay lợn mọi là giống lợn nhà, có khối lượng vừa và nhỏ. Đây là một giống lợn được lai giữa lợn nhà và lợn rừng xuất phát từ miền Trung Việt Nam được nuôi thả, thường chỉ nặng trên dưới 10 kg, lưng cong, bụng ỏng rất dễ thương, thịt rất săn chắc, rất thông minh và thích sạch sẽ, có thể dùng làm vật nuôi, thú cảnh hoặc làm nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon.

4. Lợn sóc

lợn sóc

Lợn sóc là một giống lợn của người Êđê, người M’nông.

Giống lợn này phù hợp một số đặc điểm và địa hình của buôn làng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Họ có nhà sàn cách cao mặt đất để nước không tràn vào nhà khi lũ tới hoặc tránh thú dữ, đồng thời sàn dưới còn làm chuồng cho các vật nuôi như giống lợn này. Ngày nay, buôn làng không làm như vậy nữa mà làm chuồng nhốt riêng xa nhà một khoảng để tránh dịch bệnh xảy ra.

Giống lợn sóc là một giống lợn có tầm vóc nhỏ được người dân đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên nuôi thả tự do xung quanh nhà. Loài lợn này có thể nuôi con mà không cần đến sự can thiệp của con người.

5. Lợn cỏ

Lợn cỏ hay lợn đê hoặc lợn cắp nách là một giống lợn nuôi bản địa của Việt Nam.

lợn cỏ

Lợn Cỏ có tầm vóc nhỏ, nhỏ hơn so với các giống lợn nội như lợn Móng Cái, lợn Ỉ. Thể trạng của lợn trưởng thành trung bình vào khoảng 30 – 35kg. Đại đa số là lợn lang trắng đen, mõm dài, xương nhỏ, chủ yếu đi bàn, bụng xệ. Dân địa phương thường mô tả lợn Cỏ như dạng “bồ câu chân nhện”. Da mỏng, lông thưa, màu da trắng bợt thể hiện sự yếu ớt, thiếu dinh dưỡng. Lợn đực thường nhỏ hơn lợn cái do phải phối giống sớm. Phần lớn lợn đực giống là gây ngay từ lợn con trong đàn, lợn con nhảy mẹ nên đồng huyết rất nặng. Những năm 60 khi định tiêu chuẩn cho lợn đực giống Cỏ, người ta (Nghệ An) rất khó khăn khi phải định tiêu chuẩn giống là phải từ 20 kg trở lên bởi vì cả tỉnh khó tìm thấy con đực có trọng lượng lớn hơn 20 kg.

6. Lợn đen Lũng Pù

Lợn đen Lũng Pù

Đây là giống lợn bản địa ở Mèo Vạc, hiện được chăn nuôi tại 4 huyện trong tỉnh Hà Giang.

Lợn đen Lũng Pù có tầm vóc to lớn, nuôi 10 đến 12 tháng đạt trọng lượng 80 đến 90 kg. Lợn đen Lũng Pù có lông đen, dày và ngắn, da thô, tai nhỏ cúp, mõm dài trung bình; trung bình có 10 vú và bình quân đẻ 1,5 đến 1,6 lứa/ năm. Giống lợn này có hai loại: một loại có 4 chân trắng, có đốm trắng ở trán và mõm, một loại đen tuyền. Đây là giống lợn chiếm tỷ lệ cao nhất và có chất lượng tốt nhất so với các giống lợn địa phương khác của Hà Giang.

7. Lợn Vân Pa

Lợn Vân Pa

Đây là giống lợn địa phương lâu đời của đồng bào dân tộc Vân Kiều - Pa Cô thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Trọng lượng lợn Vân Pa trưởng thành chỉ đạt 30 - 35 kg. Giống lợn này có nhiều tập tính của động vật hoang dã như tính bầy đàn, có khả năng tự kiếm ăn cao, chịu được kham khổ, khả năng kháng bệnh tốt, thịt thơm ngon.

8. Lợn Khùa

lợn khùa

Đây là giống lợn bản địa ở miền núi Quảng Bình, do người dân tộc Khùa nuôi tại các nông hộ theo phương thức thả rông tự kiếm ăn và không có chuồng trại.

Lợn Khùa có lông màu đen toàn thân, hoặc lông da đen với các điểm trắng ở 4 chân, hoặc lông da đen và loang trắng trên thân. Mõm lợn khùa dài và khỏe, lưng khá thẳng.

9. Lợn Mường Khương

lợn mường khương

Lợn Mường Khương là một giống lợn địa phương có từ lâu đời, được nuôi ở nhiều vùng thuộc tỉnh Lào Cai, nhiều nhất là ở huyện Mường Khương. Đây là một trong ba giống lợn quý ở các tỉnh phía Bắc, chúng cũng là một trong ba giống lợn nội chủ yếu làm nền lai kinh tế ở Miền Bắc Việt Nam. Thân hình cao to, lưng thẳng, rất phàm ăn, chịu rét giỏi hơn các giống lợn khác. Tuy nhiên, thịt chất lượng kém; lợn đẻ ít con và nuôi con vụng về. Lợn Mường Khương được nuôi chủ yếu ở vùng trung du Bắc Bộ.

10. Lợn Mẹo

lợn mẹo

Lợn Mẹo hay còn gọi là lợn Mèo, là giống lợn của Người H’Mông, được nuôi tại các hộ gia đình thuộc một số xã miền núi trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái. Lợn Mẹo được đồng bào dân tộc H’Mông nuôi thuần từ rất lâu đời ở vùng rẻo cao khí hậu mát mẻ quanh năm. Qua hàng trăm năm sống ở vùng núi cao, lợn Mẹo đã thích nghi và phát triển tốt trong điều kiện sinh thái, kinh tế và tập quán chăn nuôi của người H’Mông địa phương.

Lợn Mẹo có tầm vóc khá lớn, trường mình, phát triển cân đối. Lông da màu đen, da dày, lông dài và cứng, thường có 6 điểm trắng ở 4 chân, trán và đuôi, một số có loang trắng ở bụng. Đầu to, rộng, mặt hơi gãy, trán dô và thường có khoáy trán, mõm hơi dài, tai vừa phải và hơi chúc về phía trước. Vai rộng, lưng dài rộng, phẳng hoặc hơi vồng lên. Phần hông rộng và phẳng, mông rộng và chiều cao mông thường cao hơn vai. Bụng lợn to, dài nhưng không sệ. Chân lợn cao, thẳng, vòng ống thô, đi đứng trên hai ngón trước .

Khối lượng cơ thể của lợn Mẹo (kg)

Tháng tuổi Khối lượng
Sơ sinh 0,48
1 tháng 2,39
2 tháng 4,20
4 tháng 13,00
6 tháng 25,00
9 tháng 43,90
12 tháng 64,20
24 tháng 82,80
36 tháng 114,90

11. Lợn Táp Ná

lợn táp ná

Lợn Táp Ná là một giống lợn nội của Việt Nam, được hình thành từ lâu đời chủ yếu ở huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.

Người dân nuôi lợn ở vùng núi huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng chỉ giao dịch mua bán lợn tại chợ Táp Ná, do đó giống lợn nội Việt Nam này dần dần được người dân đặt tên là giống lợn Táp Ná.

Ngoại hình của giống lợn Táp Ná có nhiều nét tương tự như giống lợn nội Móng Cái (MC). Lợn Táp Ná có màu sắc lông da rất đặc trưng: Lông và da đều đen, ngoại trừ 6 điểm trắng: giữa trán, 4 cẳng chân và chóp đuôi, đặc biệt bụng của lợn Táp Ná có màu đen và không có dải yên ngựa màu trắng bắt qua vai như giống lợn MC. Song, lợn Táp Ná có những điểm ngoại hình khác với các giống lợn nội khác ở nước ta khá rõ nét (Nguyễn Văn Đức, 2012; Nguyễn Thị Thủy Tiên và ctv, 2013):

– Đầu lợn Táp Ná to vừa phải.

– Tai của nó hơi rủ cúp xuống.

– Bụng tuy to nhưng không to bằng giống lợn MC và đó là nét đặc trưng cho giống lợn này là bụng không bị sệ và võng xuống như giống lợn MC.

– Chân to, cao và chắc khoẻ như giống lợn Mẹo ở Nghệ An.

– Lưng tương đối thẳng.

– Mặt thẳng, mặt không nhăn nheo như lợn Ỉ.

– Lợn cái Táp Ná thường có từ 8 đến 12 vú, nhưng phổ biến nhất là 10 vú.

 

PH (sưu tầm)

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: